Đối ngoại Nguyễn_Phúc_Chu

Chiêm Thành

Tháng 8 năm Nhâm Thân (1692), vua Chiêm Thành là Bà Tranh (Po Thot), hợp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh.[8] Sự việc được báo lên Chúa, Chúa Phúc Chu đã sai Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh, cùng Tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân Chính Dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh.[9]

Đầu năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh, Kế Bà Tử (em trai Bà Tranh) cùng thân thuộc là nàng Mi Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa sai kể tội giam cầm họ ở núi Ngọc Trản. Đổi đất Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành (đất Panduranga) và lập ra phủ Bình Thuận.

Sau khi Bà Tranh chết tại Huế, Kế Bà Tử đã nổi dậy. Quý tộc Chăm tên Ốc Nha Đạt và người Mãn Thanh tên A Ban chỉ huy quân Chăm. Lúc đó Nguyễn Hữu Cảnh đang đi Tây Chính, và quân Nguyễn ở lại đã bị quân Chăm tiêu diệt hoàn toàn.

Khi Nguyễn Hữu Cảnh trở lại, Kế Bà Tử đã ký hòa ước với chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Phúc Chu đã đồng ý khôi phục vương quốc Chăm Pa với hình thức là một khu tự trị với tên là Thuận Thành Trấn, và chúa Chăm được gọi là Trấn Vương (khâm lý), con của Bà Ân làm đề đốc để xếp đặt mọi việc trong phủ hạt, là thần hạ của chúa Nguyễn, buộc người dân ăn mặc theo phong tục nước Việt.[10][11]

Theo bộ văn bản hoàng gia Chăm (bản chữ Hán), mối quan hệ phiên thuộc giữa vùng đất cai quản bởi các chúa Chăm và chính quyền trung ương của chúa Nguyễn diễn ra tốt đẹp.

Chúa Phúc Chu còn mở rộng bờ cõi đất đai xuống phía Nam, đạt được nhiều thành tựu như:

Chân Lạp

Tháng 3 năm 1690, Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào đánh thắng Cao Miên, bắt vua Cao Miên là Nặc Thu đem về Sài Côn rồi nghỉ quân, Cao Miên từ đó mới bình định. Sau đó Nặc Thu bị bệnh mất, Nặc Non cũng mất, các tướng tâu lên rằng dòng đích của vua Cao Miên không còn ai, do đó triều đình phong cho con Nặc Non là Nặc Yêm làm vua và lệnh cho đóng ở thành Gò Vách. (Sử Cao Miên ghi niên hiệu Thiên Vận (1622) là năm Thìn, Nặc Yêm con của Nặc Non là Tham - đích - sá - chiêu - trùy lên làm vua, so ra thời đại và tên gọi khá phù hợp nhưng tháng năm thì sai khác, điều đó còn cần khảo cứu thêm).[12]

Mùa xuân năm 1698, vua Nặc Yêm nước Chân Lạp cho quân lính cướp bóc dân buôn, triều đình sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược đất Cao Miên, Nặc Yêm xin đầu hàng và nộp cống như cũ. Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (quận sở nay gần Tân Đồn). Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị. Về vệ thuộc thì có hai ty Xá, Lại để làm việc, quân binh thì có tinh binh cơ đội thuyền thủy bộ và thuộc binh để hộ vệ.[12]

Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng đinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch.[12]

Năm 1705, Nặc Thâm (con Nặc Yêm) nối ngôi cha bất hòa với Nặc Yêm (vua thứ hai của Chân Lạp), nhờ Xiêm La giúp, đem binh đánh Nặc Yêm. Nặc Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu, Nguyễn Hữu Cảnh sai Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân đem binh sang đánh quân Xiêm, thắng trận ở Sầm Khê. Đây là trận đánh đầu tiên giữa nước Việt thời chúa Nguyễn/triều Nguyễn với Xiêm La được ghi nhận trong sử Việt.

Tuy vậy nước Chân Lạp vẫn chưa yên. Năm 1711, 1714 Nặc Thâm lại vây đánh Nặc Yêm. Nguyễn Hữu Cảnh phải cho các tướng Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Cửu Phú đem quân đánh dẹp rồi phong cho Nặc Yêm làm vua Chân Lạp và giúp cho Nặc Yêm khi giới để phòng ngự.